Bước tới nội dung

Apollo 11

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Apollo 11
Dạng nhiệm vụHạ cánh xuống Mặt Trăng có phi hành đoàn (G)
Nhà đầu tưNASA
COSPAR ID
  • CSM: 1969-059A
  • LM: 1969-059C
Số SATCAT
Thời gian nhiệm vụ8 ngày, 3 giờ, 18 phút, 35 giây
Các thuộc tính thiết bị vũ trụ
Thiết bị vũ trụ
Nhà sản xuất
Khối lượng phóng109.646 pound (49.735 kg)[5]
Khối lượng hạ cánh10.873 pound (4.932 kg)
Phi hành đoàn
Quy mô phi hành đoàn3
Thành viên
Tín hiệu gọi
Bắt đầu nhiệm vụ
Ngày phóng13:32:00, 16 tháng 7 năm 1969 (UTC) (1969-07-16T13:32:00Z)[6]
Tên lửaSaturn V SA-506
Địa điểm phóngKennedy, LC-39A
Kết thúc nhiệm vụ
Thu hồi bởiUSS Hornet
Ngày hạ cánh16:50:35, 24 tháng 7 năm 1969 (UTC) (1969-07-24T16:50:35Z)
Nơi hạ cánh
Các tham số quỹ đạo
Hệ quy chiếuNguyệt tâm
Cận điểm100,9 kilômét (54,5 nmi)[7]
Viễn điểm122,4 kilômét (66,1 nmi)[7]
Độ nghiêng1,25 độ[7]
Chu kỳ2 giờ[7]
Kỷ nguyên21:44, 19 tháng 7 năm 1969 (UTC)[7]
Phi thuyền quỹ đạo Mặt Trăng
Thành phần phi thuyềnMô-đun chỉ huy và dịch vụ
Vào quỹ đạo17:21:50, 19 tháng 7 năm 1969 (UTC)[8]
Rời khỏi quỹ đạo04:55:42, 22 tháng 7 năm 1969 (UTC)[9]
Quỹ đạo30
Xe tự hành Mặt Trăng
Thành phần phi thuyềnMô-đun Mặt Trăng Apollo
Thời điểm hạ cánh20:17:40, 20 tháng 7 năm 1969 (UTC)[10]
Phóng trở lại17:54:00, 21 tháng 7 năm 1969 (UTC)[11]
Địa điểm hạ cánh
Khối lượng tàu mẫu21,55 kilôgam (47,51 lb)
EVA bề mặt1
Thời gian EVA2 giờ, 31 phút, 40 giây
Ghép nối với LM
Ngày ghép nối16:56:03, 16 tháng 7 năm 1969 (UTC) [8]
Ngày ngắt ghép nối17:44:00, 20 tháng 7 năm 1969 (UTC)[13]
Ghép nối với tầng cất cánh của LM
Ngày ghép nối21:35:00, 21 tháng 7 năm 1969 (UTC)[9]
Ngày ngắt ghép nối23:41:31, 21 tháng 7 năm 1969, (UTC)[9]
Huy hiệu hình tròn có viền màu vàng và xanh dương: chim đại bàng dang cánh giữ lấy cành ô liu trên Mặt Trăng, với Trái Đất ở phía sau. Phi hành đoàn Apollo 11
Từ trái sang phải: Neil Armstrong, Michael CollinsBuzz Aldrin 

Apollo 11 (16–24 tháng 7 năm 1969) là chuyến bay vào vũ trụ của Hoa Kỳ đã lần đầu tiên đưa con người đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng. Chỉ huy Neil Armstrong cùng với Phi công Mô-đun Mặt Trăng Buzz Aldrin đáp Mô-đun Mặt Trăng Apollo Eagle xuống vào lúc 20:17 UTC ngày 20 tháng 7 năm 1969. Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên bề mặt sau 6 giờ 39 phút, vào lúc 02:56 ngày 21 tháng 7 (UTC). 19 phút sau, Aldrin tham gia cùng ông và cả hai đã dành khoảng hai tiếng rưỡi để khám phá địa điểm mà họ đặt tên là Tranquility Base lúc hạ cánh. Hai phi hành gia thu thập 47,5 pound (21,5 kg) vật chất Mặt Trăng và mang về Trái Đất trong khi phi công Michael Collins bay vòng quay quỹ đạo thiên thể này trên Mô-đun Chỉ huy Columbia. Họ ở lại bề mặt trong 21 giờ, 31 phút trước khi bay lên để ghép nối lại với Columbia.

Được phóng lên bằng tên lửa Saturn V tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào 13:32 ngày 16 tháng 7 (UTC), đây là chuyến bay có người lái thứ năm trong chương trình Apollo của NASA. Tàu vũ trụ Apollo gồm có ba phần: một mô-đun chỉ huy (CM) với cabin dành cho ba hành gia, đây là phần duy nhất quay trở lại Trái Đất; một mô-đun dịch vụ (SM) cung cấp cho mô-đun chỉ huy lực đẩy, điện năng, oxy và nước; và một Mô-đun Mặt Trăng (LM) gồm hai tầng – tầng hạ cánh (descent stage) để đáp xuống Mặt Trăng và tầng cất cánh (ascent stage) giúp đưa phi hành gia trở lại quỹ đạo Mặt Trăng.

Sau khi được phóng về phía vệ tinh tự nhiên của Trái Đất bằng thứ ba của tên lửa đẩy Saturn V, các phi hành gia đã tách tầng này khỏi phi thuyền và du hành trong ba ngày tới khi đạt đến quỹ đạo Mặt Trăng. Tiếp đó, Armstrong cùng Aldrin bước vào Eagle và đổ bộ xuống Biển Tĩnh Lặng vào ngày 20 tháng 7. Khi hoàn thành nhiệm vụ, họ sử dụng tầng cất cánh của Eagle để bay lên khỏi bề mặt và hội ngộ với Collins đang ở bên trong mô-đun chỉ huy. Phi hành đoàn đã loại bỏ Eagle trước khi thực hiện các thao tác nhằm đẩy Columbia ra khỏi quỹ đạo Mặt Trăng, đưa con tàu vào đường bay hướng về hành tinh xanh.[9] Ngày 24 tháng 7, sau hơn tám ngày ở trên vũ trụ, ba phi hành gia trở về Trái Đất và splashdown xuống Thái Bình Dương.

Trên sóng trực tiếp trước khán giả toàn cầu về sự kiện đặt bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng, Armstrong đã phát biểu câu nói nổi tiếng, "Đây là bước đi nhỏ bé của [một] con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của cả nhân loại".[14] Apollo 11 đã khẳng định chiến thắng của Hoa Kỳ trong Cuộc đua vào vũ trụ, qua đó chứng tỏ ưu thế vượt trội của quốc gia này trong lĩnh vực du hành không gian. Sứ mệnh cũng hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống John F. Kennedy đặt ra cho nước Mỹ vào năm 1961, "trước khi thập kỷ này kết thúc, phải đưa được con người lên Mặt Trăng và mang người đó trở về Trái Đất an toàn".[15]

Bối cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960, Hoa Kỳ tham gia vào Chiến tranh Lạnh, một cuộc cạnh tranh địa chính trị với Liên Xô.[16] Ngày 4 tháng 10 năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên mang tên Sputnik 1. Thành công bất ngờ này đã khơi dậy nỗi lo ngại và trí tưởng tượng trên khắp thế giới. Nó không chỉ chứng minh rằng Liên Xô có khả năng phóng vũ khí hạt nhân xuyên lục địa, mà còn thách thức những tuyên bố của Mỹ về ưu thế quân sự, kinh tế và công nghệ.[17] Phi vụ phóng đã gây ra khủng hoảng Sputnik, đồng thời mở đầu Cuộc chạy đua vào vũ trụ nhằm chứng tỏ siêu cường nào sẽ đạt được khả năng du hành vũ trụ vượt trội.[18] Đáp lại thách thức từ Sputnik, Tổng thống Dwight D. Eisenhower thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), đồng thời cho tiến hành Dự án Mercury,[19] chương trình không gian có mục tiêu đưa con người lên quỹ đạo Trái Đất.[20] Tuy nhiên vào ngày 12 tháng 4 năm 1961, phi hành gia Liên Xô Yuri Alekseyevich Gagarin đã trở thành người đầu tiên đi vào vũ trụ và bay vòng quanh Trái Đất.[21] Gần một tháng sau, vào ngày 5 tháng 5 năm 1961, Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên đi vào không gian thông qua một chuyến bay dưới quỹ đạo kéo dài 15 phút. Sau khi được thu hồi trên Đại Tây Dương, ông đã nhận cuộc gọi chúc mừng từ người kế nhiệm của Eisenhower là John F. Kennedy.[22]

Do Liên Xô sở hữu tên lửa đẩy hạng nặng hơn, nên giữa các lựa chọn mà NASA đưa ra, Kennedy đã xác định một thách thức nằm ngoài khả năng của thế hệ tên lửa hiện có, thứ mà Hoa Kỳ và Liên Xô đều sẽ bắt đầu từ vị trí như nhau. Để đạt được mục tiêu này, nước Mỹ sẽ cần phải tiến hành một sứ mệnh có người lái lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.[23]

Ngày 25 tháng 5 năm 1961, Kennedy có bài phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ về "Những Nhu cầu Cấp thiết của Quốc gia" (Urgent National Needs). Ông tuyên bố:

Tôi tin rằng quốc gia này nên cam kết đạt được mục tiêu, rằng trước khi thập kỷ này [1960] kết thúc, phải đưa được người lên Mặt Trăng và mang anh ta trở về Trái Đất an toàn. Sẽ không có một dự án không gian nào trong giai đoạn này khiến cho nhân loại ấn tượng hơn, hay có tầm quan trọng hơn trong công cuộc khám phá vũ trụ lâu dài; và cũng không có cái nào khó khăn và tốn nhiều tiền như mục tiêu này. Chúng tôi đề xuất tăng tốc việc phát triển một phi thuyền Mặt Trăng phù hợp. Chúng tôi đề xuất phát triển các động cơ đẩy nhiên liệu lỏng và rắn thay thế, và chúng phải to hơn bất kỳ loại nào đang được phát triển, cho đến khi xác định được loại tốt nhất. Chúng tôi đề xuất bổ sung ngân quỹ cho các nghiên cứu phát triển động cơ khác và những cuộc khám phá không người lái – những cuộc khám phá đặc biệt quan trọng cho một mục đích mà quốc gia này sẽ không bao giờ bỏ qua: sự sống sót của người đầu tiên thực hiện chuyến bay táo bạo này. Nhưng nếu hiểu đúng thì, đây không phải chỉ là một người lên Mặt Trăng – nếu chúng ta cùng đồng lòng quyết định thì đó sẽ là cả một quốc gia. Vì tất cả chúng ta phải nỗ lực để đưa anh ấy đến đó.

— Bài phát biểu của Kennedy trước Quốc hội[24]

Ngày 12 tháng 9 năm 1962, trước đám đông khoảng 40.000 người tại sân vận động của Đại học RiceHouston, Texas, Kennedy đã có một bài phát biểu khác về nỗ lực không gian của Mỹ.[25][26] Phần giữa của bài diễn văn được trích dẫn khá rộng rãi, với nội dung như sau:

Chưa có tranh chấp, thành kiến, hay xung đột quốc gia ngoài vũ trụ. Những mối nguy hiểm của nó là thù địch đối với tất cả chúng ta. Cuộc chinh phục của nó xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất của nhân loại, và cơ hội hợp tác hòa bình của nó có thể không bao giờ đến nữa. Nhưng một số người hỏi, tại sao lại là Mặt Trăng? Tại sao chọn đây là mục tiêu? Và họ cũng có thể hỏi, tại sao lại leo lên ngọn núi cao nhất? Tại sao lại bay qua Đại Tây Dương vào 35 năm trước? Tại sao đội Rice lại đấu với đội Texas? Chúng ta chọn lên Mặt Trăng. Chúng ta chọn lên Mặt Trăng... Chúng ta chọn lên Mặt Trăng trong thập kỷ này và làm những điều khác, không phải vì chúng dễ dàng, mà bởi vì chúng khó khăn; bởi vì mục tiêu đó sẽ phục vụ cho việc tổ chức cũng như đo lường nghị lực và kỹ năng tốt nhất của chúng ta, bởi vì thử thách đó là một thứ mà chúng ta sẵn sàng chấp nhận, một thứ mà chúng ta không muốn trì hoãn, và một thứ mà chúng ta dự định giành chiến thắng, và những điều khác nữa.[27]

Kennedy, in a blue suit and tie, speaks at a wooden podium bearing the seal of the President of the United States. Vice President Lyndon Johnson and other dignitaries stand behind him.
Tổng thống John F. Kennedy phát biểu tại Đại học Rice vào ngày 12 tháng 9 năm 1962

Mặc dù vậy, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của nhiều người Mỹ và bị Norbert Wiener, một nhà toán học tại Viện Công nghệ Massachusetts, gọi là "moondoggle"[a].[28][29] Nỗ lực đưa người lên Mặt Trăng của Kennedy có tên là Dự án Apollo.[30] Khi ông gặp gỡ Thủ tướng Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov vào tháng 6 năm 1961, ông đã đề xuất biến cuộc đổ bộ Mặt Trăng thành một dự án chung, nhưng Khrushchyov lại không chấp nhận lời đề nghị này.[31] Kennedy có bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 20 tháng 9 năm 1963, tại đó ông lại đề xuất một chuyến thám hiểm chung lên Mặt Trăng.[32] Tuy nhiên, ý tưởng đã bị hủy bỏ sau khi Kennedy qua đời.[33]

Tháng 7 năm 1962, người đứng đầu NASA James E. Webb thông báo sử dụng chiến lược điểm hẹn quỹ đạo Mặt Trăng[34][35] và tàu vũ trụ Apollo sẽ bao gồm ba thành phần chính: một mô-đun chỉ huy với cabin dành cho ba hành gia, đây là phần duy nhất quay trở lại Trái Đất; một mô-đun dịch vụ cung cấp cho mô-đun chỉ huy lực đẩy, điện năng, oxy và nước; và một Mô-đun Mặt Trăng gồm hai tầng – tầng hạ cánh để đáp xuống Mặt Trăng và tầng cất cánh giúp đưa phi hành gia trở lại quỹ đạo Mặt Trăng.[36] Thiết kế này có thể được phóng bằng một chiếc tên lửa Saturn V, vốn vẫn đang trong giai đoạn phát triển vào thời điểm ấy.[37]

Các công nghệ và kỹ thuật mà Apollo sử dụng đều được phát triển từ Dự án Gemini.[38] Chương trình này có thể khởi động là nhờ NASA đã áp dụng những tiến bộ mới trong linh kiện bán dẫn, bao gồm transistor hiệu ứng trường kim loại-oxit bán dẫn (MOSFET) trong chương trình Interplanetary Monitoring Platform (IMP)[39][40] và chíp vi mạch (IC) silicon cho Máy tính Dẫn đường Apollo (AGC).[41]

Dự án Apollo đã đột ngột bị tạm ngừng do vụ hỏa hoạn Apollo 1 vào ngày 27 tháng 1 năm 1967, trong đó các phi hành gia Gus Grissom, Ed WhiteRoger B. Chaffee đều tử nạn, theo sau là một cuộc điều tra về tính an toàn của chương trình.[42] Tháng 10 năm 1968, mô-đun chỉ huy được đánh giá trong sứ mệnh Apollo 7,[43] và đến tháng 12 thì được thử nghiệm trên quỹ đạo Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 8.[44] Tháng 3 năm 1969, Apollo 9 đưa LM vào kiểm tra trên quỹ đạo Trái Đất.[45] Hai tháng sau đó, Apollo 10 tiến hành một "cuộc tổng duyệt" trên quỹ đạo Mặt Trăng. Đến tháng 7 năm 1969, mọi thứ đều đã sẵn sàng để Apollo 11 thực hiện bước cuối cùng: hạ cánh xuống Mặt Trăng.[46]

Dù Liên Xô dường như đang giành chiến thắng trong Cuộc đua vào vũ trụ bằng cách đánh bại Hoa Kỳ và giành vị trí dẫn đầu, nhưng ưu thế này đã không còn sau khi Mỹ tiến hành chương trình Gemini và Liên Xô thất bại trong việc phát triển tên lửa đẩy N1, thứ có thể so sánh với Saturn V.[47] Do đó, họ cố gắng tìm cách đánh bại Hoa Kỳ trong việc đưa vật chất Mặt Trăng trở về Trái Đất bằng tàu thăm dò không người lái. Ngày 13 tháng 7, ba ngày sau phi vụ phóng Apollo 11, Liên bang Xô viết tiến hành nhiệm vụ Luna 15, thành công đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo Mặt Trăng trước Apollo 11. Trong quá trình hạ cánh, một sự cố đã khiến Luna 15 rơi xuống Mare Crisium, khoảng hai giờ trước khi Armstrong và Aldrin cất cánh từ bề mặt để bắt đầu hành trình trở về nhà. Kính viễn vọng vô tuyến Nuffield Radio Astronomy Laboratories ở Anh đã ghi lại các tín hiệu từ Luna 15 trong quá trình hạ cánh và công bố những dữ liệu này vào tháng 7 năm 2009, nhân kỷ niệm 40 năm sứ mệnh Apollo 11.[48]

Nhân sự

[sửa | sửa mã nguồn]

Phi hành đoàn chính

[sửa | sửa mã nguồn]
Vai trò Phi hành gia
Chỉ huy Neil A. Armstrong
Chuyến bay thứ hai và cuối cùng
Phi công Mô-đun Chỉ huy Michael Collins
Chuyến bay thứ hai và cuối cùng
Phi công Mô-đun Mặt Trăng Edwin "Buzz" E. Aldrin Jr.
Chuyến bay thứ hai và cuối cùng

Ngày 20 tháng 11 năm 1967, NASA công bố danh sách phi hành đoàn dự phòng cho sứ mệnh Apollo 9 theo phân công ban đầu, trong đó có Chỉ huy Neil Armstrong, Phi công Mô-đun Chỉ huy (CMP) Jim Lovell và Phi công Mô-đun Mặt Trăng (LMP) Buzz Aldrin.[49] Lovell và Aldrin đã bay cùng nhau trước đó trên Gemini 12. Do sự chậm trễ trong thiết kế và sản xuất LM, hai nhiệm vụ Apollo 8 và Apollo 9 đã hoán đổi phi hành đoàn chính và dự phòng với nhau, trong đó đội của Armstrong sẽ đóng vai trò dự phòng trên Apollo 8. Theo trình tự luân phiên phi hành đoàn của chương trình, Armstrong sẽ là chỉ huy cho nhiệm vụ Apollo 11.[50]

Tuy nhiên, CMP của Apollo 8 là Michael Collins lại bắt đầu gặp vấn đề về chân. Các bác sĩ chẩn đoán là do có một khối u xương nằm giữa đốt sống thứ năm và thứ sáu cần phải phẫu thuật.[51] Lovell thay thế vị trí của ông trong phi hành đoàn Apollo 8, và khi Collins hồi phục, ông đã gia nhập đội của Armstrong với tư cách là CMP.[52] Apollo 11 là sứ mệnh thứ hai của Mỹ mà tất cả các thành viên phi hành đoàn đều có kinh nghiệm du hành vũ trụ trước đó (sứ mệnh đầu tiên là Apollo 10[53]).[54]

Deke Slayton từng cho Armstrong lựa chọn thay thế Aldrin bằng Lovell vì một số người cho rằng Aldrin khó làm việc cùng. Tuy không có vấn đề gì khi làm việc với Aldrin nhưng Armstrong đã suy nghĩ một ngày trước khi từ chối. Ông cho rằng Lovell xứng đáng được chỉ huy nhiệm vụ của riêng mình (về sau là Apollo 13).[55]

Phi hành đoàn chính của Apollo 11 không hề có tinh thần vui vẻ và gần gũi như Apollo 12. Thay vào đó, họ chỉ tạo nên một mối quan hệ làm việc ở mức hòa nhã. Armstrong nổi tiếng là một người hờ hững. Vốn tự coi mình là người đơn độc, Collins đã thú nhận việc từ chối những nỗ lực của Aldrin nhằm tạo ra một mối quan hệ thân mật hơn.[56] Aldrin và Collins mô tả phi hành đoàn là "những người lạ tử tế".[57] Armstrong không đồng ý với đánh giá này và cho biết "tất cả các phi hành đoàn mà tôi từng tham gia đều làm việc với nhau rất tốt".[57]

Phi hành đoàn dự phòng

[sửa | sửa mã nguồn]
Vai trò Phi hành gia
Chỉ huy James A. Lovell Jr.
Phi công Mô-đun Chỉ huy William A. Anders
Phi công Mô-đun Mặt Trăng Fred W. Haise Jr.

Phi hành đoàn dự phòng bao gồm Chỉ huy Lovell, CMP William Anders và LMP Haise. Anders từng bay cùng Lovell trên Apollo 8.[54] Đầu năm 1969, Anders nhận một công việc tại Hội đồng Vũ trụ Quốc gia (National Aeronautics and Space Council) và sẽ bắt đầu làm từ tháng 8 năm 1969. Ông cũng tuyên bố giải nghệ nghiệp phi hành gia. Ken Mattingly đã được di chuyển từ đội hỗ trợ vào huấn luyện song song với Anders như CMP dự phòng trong trường hợp Apollo 11 bị trì hoãn vượt quá lịch phóng là tháng 7, vì khi đó thì Anders sẽ không thể tiếp tục tham dự.[58]

Theo trình tự luân phiên phi hành đoàn thông thường của chương trình Apollo, Lovell, Mattingly và Haise sẽ bay trên Apollo 14, nhưng do một vấn đề liên quan đến tổ bay của Apollo 13 và để có nhiều thời gian huấn luyện hơn cho Alan Shepard nên cả ba đều đã bị đẩy xuống sứ mệnh này. Mattingly sau đó được thay thế bằng Jack Swigert.[58]

Phi hành đoàn hỗ trợ

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong các dự án Mercury và Gemini, mỗi sứ mệnh đều có một phi hành đoàn chính và dự phòng. Đối với Apollo, sẽ có thêm một phi hành đoàn hỗ trợ. Đội hỗ trợ giúp duy trì kế hoạch bay, các danh sách kiểm tra và quy tắc sứ mệnh, đồng thời đảm bảo đội chính và dự phòng sẽ được thông báo về mọi sự thay đổi. Họ đã phát triển các thủ tục cho thiết bị mô phỏng, đặc biệt là những tình huống khẩn cấp, giúp các tổ bay có thể tập trung thực hành và thành thạo.[59] Đối với Apollo 11, phi hành đoàn dự phòng bao gồm Ken Mattingly, Ronald EvansBill Pogue.[60]

Liên lạc viên khoang vũ trụ

[sửa | sửa mã nguồn]
CAPCOM Charles Duke (trái) cùng với các thành viên đội dự phòng Jim LovellFred Haise đang lắng nghe trong quá trình hạ cánh của Apollo 11

Liên lạc viên khoang vũ trụ (capsule communicator, viết tắt là CAPCOM) là một phi hành gia tại Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh ở Houston, Texas, người duy nhất liên lạc trực tiếp với tổ bay.[61] Đối với Apollo 11, các CAPCOM là Charles Duke, Ronald Evans, Bruce McCandless II, James Lovell, William Anders, Ken Mattingly, Fred Haise, Don L. Lind, Owen K. GarriottHarrison Schmitt.[60]

Giám đốc chuyến bay

[sửa | sửa mã nguồn]

Các giám đốc chuyến bay của sứ mệnh này gồm có:[62][63][64][65][66][67]

Các giám đốc chuyến bay của Apollo 11
Tên Ca Đội Hoạt động
Clifford E. Charlesworth 1 Green Phóng và hoạt động ngoài tàu vũ trụ (EVA)
Gerald D. Griffin 1 Gold Dự phòng cho ca 1
Gene Kranz 2 White Đổ bộ xuống Mặt Trăng
Glynn Lunney 3 Black Cất cánh khỏi Mặt Trăng
Milton Windler 4 Maroon Lập kế hoạch

Nhân sự chủ chốt khác

[sửa | sửa mã nguồn]

Một số nhân sự khác đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh Apollo 11 có:[68]

Nhân sự khác
Tên Hoạt động
Farouk El-Baz Nhà địa chất, nghiên cứu địa chất Mặt Trăng, xác định địa điểm hạ cánh, huấn luyện phi công
Kurt Debus Nhà khoa học tên lửa, giám sát việc xây dựng bệ phóng và cơ sở hạ tầng
Jamye Flowers Thư ký cho các phi hành gia
Eleanor Foraker Thợ may thiết kế bộ đồ du hành vũ trụ
Jack Garman Kỹ sư máy tính và kỹ thuật viên
Millicent Goldschmidt Nhà vi sinh vật học đã thiết kế các kỹ thuật thu thập vật liệu vô trùng trên Mặt Trăng và đào tạo các phi hành gia
Eldon C. Hall Thiết kế phần cứng cho Máy tính Dẫn đường Apollo
Margaret Hamilton Kỹ sư phần mềm cho máy tính trên tàu
John Houbolt Lên kế hoạch đường bay
Gene Shoemaker Nhà địa chất, đào tạo địa chất thực địa cho các phi hành gia
Bill Tindall Các kỹ thuật điều phối nhiệm vụ (coordinated mission techniques)

Chuẩn bị

[sửa | sửa mã nguồn]

Huy hiệu

[sửa | sửa mã nguồn]
Huy hiệu của Apollo 11

Huy hiệu sứ mệnh Apollo 11 do Collins thiết kế. Ông mong muốn một biểu tượng cho "việc đổ bộ Mặt Trăng trong hòa bình của nước Mỹ". Theo gợi ý của Lovell, ông chọn đại bàng đầu trắng – quốc điểu Hoa Kỳ – làm biểu tượng. Một người hướng dẫn thiết bị mô phỏng là Tom Wilson kiến nghị nên đặt cành olive trong mỏ chim để đại diện cho sứ mệnh hòa bình này. Collins đã thêm vào đó khung cảnh Mặt Trăng, với Trái Đất nằm ở phía xa. Ánh sáng Mặt Trời chiếu tới trong bức ảnh bị đặt ở hướng sai; phần tối lẽ ra nên nằm ở phía dưới thay vì bên trái của hành tinh xanh. Aldrin, Armstrong và Collins quyết định giữ lại màu sắc tự nhiên của chim đại bàng và Mặt Trăng, đồng thời khung viền sẽ có màu xanh dưong và vàng. Armstrong quan ngại chữ "eleven" (mười một) có thể gây khó hiểu cho những người không nói tiếng Anh, nên họ đã chọn dòng chữ "Apollo 11".[69] Họ cũng không đặt tên mình lên miếng vá, như vậy nó sẽ "đại diện cho tất cả những người đã làm việc để hướng tới mục tiêu đổ bộ Mặt Trăng".[70]

Phần ảnh minh họa do một nhân viên tại Trung tâm Tàu vũ trụ có Người lái (MSC) đảm nhận, sau đó được gửi tới các quan chức NASA để phê duyệt.[69] Mẫu thiết kế ấy đã bị từ chối. Bob Gilruth, giám đốc MSC cho rằng móng vuốt của con đại bàng trông "quá hiếu chiến".[71] Sau vài cuộc thảo luận, cành olive được dời xuống móng vuốt.[71] Khi đồng đô la Eisenhower ra mắt vào năm 1971, mặt sau của nó đã dựa trên thiết kế con đại bàng từ miếng vá sứ mệnh.[72] Thiết kế này cũng được sử dụng cho đồng đô la Susan B. Anthony vào năm 1979.[73]

Tín hiệu gọi

[sửa | sửa mã nguồn]
Buồng lái nguyên bản của mô-đun chỉ huy (CM) với ba chỗ ngồi, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia. Hình ảnh có độ phân giải rất cao này do Viện Smithsonian chụp vào năm 2007.

Sau khi phi hành đoàn Apollo 10 đặt tên cho tàu vũ trụ của họ là Charlie BrownSnoopy, trợ lý giám đốc phụ trách vấn đề quan hệ công chúng Julian Scheer đã viết thư cho George Low, Quản lý Văn phòng Chương trình Tàu vũ trụ Apollo tại MSC, khuyến nghị tổ bay Apollo 11 nên bớt tùy tiện hơn trong việc đặt tên phi thuyền. Cái tên Snowcone (kem đá bào) đã được sử dụng cho CM và Haysack (đống rơm) cho LM trong cả truyền thông nội bộ và bên ngoài ở giai đoạn lên kế hoạch của sứ mệnh.[74]

LM được đặt tên Eagle (đại bàng) theo chi tiết nổi bật trên huy hiệu nhiệm vụ. Thông qua gợi ý từ Scheer, tên gọi của CM sẽ là Columbia, dựa trên khẩu pháo khổng lồ Columbiad dùng để phóng phi thuyền (cũng từ Florida) trong tiểu thuyết năm 1865 Từ Trái Đất đến Mặt Trăng của Jules Verne. Nó cũng ám chỉ Columbia, một tên gọi lịch sử của Hoa Kỳ.[75][76] Trong cuốn sách năm 1976, Collins cho rằng Columbia là chỉ Cristoforo Colombo.[77]

Vật lưu niệm

[sửa | sửa mã nguồn]
see caption
Huy chương Robbins bạc bay trên Apollo 11

Các phi hành gia đều mang theo bộ vật dụng cá nhân ưa thích (personal preference kit, viết tắt là PPK), những chiếc túi nhỏ đựng đồ dùng cá nhân quan trọng mà họ muốn đem theo trong sứ mệnh.[78] 5 PPK 0,5 pound (0,23 kg) đã được mang lên Apollo 11: ba túi (mỗi phi hành gia mang một cái) cất trên Columbia trước khi phóng và hai túi trên Eagle.[79]

PPK trên LM của Neil Armstrong chứa một mảnh gỗ từ cánh quạt và mảnh vải từ cánh máy bay Wright Flyer của anh em nhà Wright,[80] cùng với một chiếc ghim phi hành gia có đính kim cương mà các góa phụ của tổ bay Apollo 1 đã tặng cho Slayton. Chiếc ghim này dự định sẽ bay trên sứ mệnh xấu số ấy và sau đó đưa cho Slayton, nhưng sau thảm kịch trên bệ phóng và tang lễ của các phi hành gia tử nạn, các góa phụ đã đưa chiếc ghim cho Slayton. Armstrong quyết định mang nó lên Apollo 11.[81]

Lựa chọn địa điểm

[sửa | sửa mã nguồn]
Bản đồ Mặt Trăng hiển thị các địa điểm triển vọng cho Apollo 11. Địa điểm số 2 đã được chọn.
Bản đồ Mặt Trăng hiển thị các địa điểm triển vọng cho Apollo 11. Địa điểm số 2 đã được chọn.

Ngày 8 tháng 2 năm 1968, Hội đồng Lựa chọn Địa điểm Apollo (Apollo Site Selection Board) của NASA thông báo năm bãi đáp tiềm năng. Đây là thành quả của hai năm nghiên cứu dựa trên việc chụp ảnh độ phân giải cao bề mặt Mặt Trăng bởi năm tàu thăm dò không người lái của chương trình Lunar Orbiter và thông tin về các điều kiện bề mặt thu được từ chương trình Surveyor.[82] Các kính thiên văn tốt nhất trên Trái Đất không thể xử lý được những đặc điểm với độ phân giải mà Dự án Apollo yêu cầu.[83] Bãi đáp phải nằm gần xích đạo Mặt Trăng để giảm thiểu đến mức tối đa lượng thuốc phóng cần thiết, không có chướng ngại vật nhằm tối thiểu hóa các thao tác, và cần phải phẳng để rút gọn nhiệm vụ của radar hạ cánh. Giá trị khoa học không được xem xét đến trong trường hợp này.[84]

Phần lớn những khu vực trông có vẻ hứa hẹn trên những bức ảnh chụp từ Trái Đất hóa ra lại hoàn toàn không phù hợp. Yêu cầu ban đầu là bãi đáp không được có hố thiên thạch đã phải nới lỏng vì không tìm thấy địa điểm nào như vậy.[85] Có năm địa điểm triển vọng: Site 1 và 2 nằm ở Biển Tĩnh Lặng (Mare Tranquillitatis); Site 3 ở Central Bay (Sinus Medii); Site 4 và 5 ở Đại Dương Bão Tố (Oceanus Procellarum).[82] Việc lựa chọn bãi đáp cuối cùng dựa trên bảy tiêu chí sau:

  • Địa điểm này cần phải bằng phẳng với tương đối ít hố va chạm;
  • với đường đến đó không có đồi lớn, vách đá cao hoặc hố sâu có thể gây nhầm lẫn cho radar hạ cánh và khiến nó đưa ra số ghi không chính xác;
  • có thể tiếp cận được với lượng thuốc phóng tối thiểu;
  • cho phép trì hoãn trong quá trình đếm ngược trước khi phóng;
  • cung cấp cho tàu vũ trụ Apollo một quỹ đạo quay về mà không cần động cơ đẩy (free-return trajectory), quỹ đạo cho phép nó lướt quanh Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn mà không cần phải đốt cháy động cơ nếu có vấn đề phát sinh trên đường đến Mặt Trăng;
  • với tầm nhìn tốt trong quá trình tiếp cận hạ cánh, nghĩa là Mặt Trời sẽ ở khoảng từ 7 đến 20 độ phía sau LM; và
  • mức dốc chung nhỏ hơn hai độ ở khu vực hạ cánh.[82]

Yêu cầu về góc Mặt Trời đã giới hạn ngày phóng thành chỉ một ngày mỗi tháng.[82] Việc hạ cánh ngay sau bình minh được lựa chọn để hạn chế mức nhiệt độ khắc nghiệt mà các phi hành gia có thể phải trải qua.[86] Hội đồng Lựa chọn Địa điểm Apollo đã chọn Site 2, với Sites 3 và 5 là các địa điểm dự phòng trong trường hợp phi vụ phóng bị trì hoãn. Tháng 5 năm 1969, mô-đun Mặt Trăng của Apollo 10 bay cách Site 2 15 kilômét (9,3 mi) và báo cáo rằng đây là một nơi thích hợp.[87][88]

Lựa chọn bước chân đầu tiên

[sửa | sửa mã nguồn]

Tong buổi họp báo đầu tiên ngay sau khi công bố phi hành đoàn Apollo 11, câu hỏi thứ nhất chính là, "Ai trong số những quý ông đây sẽ là người đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng?".[89][90] Slayton trả lời vấn đề đó vẫn chưa được quyết định, sau đó Armstrong thêm vào rằng việc này "không phải dựa trên mong muốn cá nhân".[89]

Một trong những phiên bản đầu tiên của danh sách kiểm tra thoát hiểm yêu cầu phi công mô-đun Mặt Trăng phải rời khỏi tàu vũ trụ trước người chỉ huy, tương tự như những gì đã được thực hiện trong các sứ mệnh Gemini,[91] nơi người chỉ huy không bao giờ tiến hành việc đi bộ ngoài không gian.[92] Các phóng viên từng viết vào đầu năm 1969 rằng Aldrin sẽ là người đầu tiên bước đi trên Mặt Trăng. Sau khi nghe nói Armstrong sẽ là người đầu tiên vì Armstrong là thường dân, Aldrin trở nên vô cùng tức giận. Ông đã cố gắng thuyết phục các phi công mô-đun Mặt Trăng khác nhưng họ chỉ phản ứng lại một cách hoài nghi và cho rằng đây là một chiến dịch vận động hành lang. Nhằm cố gắng ngăn chặn xung đột giữa các bộ phận, Slayton nói với Aldrin Armstrong sẽ là người đầu tiên vì ông ấy là chỉ huy. Quyết định được công bố trong một cuộc họp báo vào ngày 14 tháng 4 năm 1969.[93]

Trong nhiều thập kỷ, Aldrin tin rằng quyết định cuối cùng phần lớn phụ thuộc vào vị trí cửa sập của mô-đun Mặt Trăng. Do phải mặc vào bộ đồ du hành và tàu vũ trụ thì lại quá nhỏ, việc thao tác để đi ra khỏi phi thuyền sẽ rất khó khăn. Tổ bay đã tiến hành một tình huống mô phỏng trong đó Aldrin là người rời tàu trước, nhưng ông đã làm hỏng thiết bị mô phỏng khi đang cố thoát ra. Dù chừng ấy là đủ để những người lập kế hoạch sứ mệnh đưa ra quyết định, cả Aldrin và Armstrong đều không hay biết gì về lựa chọn này cho đến cuối mùa xuân.[94] Slayton nói với Armstrong rằng kế hoạch là để ông rời khỏi tàu vũ trụ trước, nếu ông đồng ý. Armstrong trả lời, "Đúng, cách đó được đấy".[95]

Phương tiện truyền thông cáo buộc Armstrong đã sử dụng đặc quyền của người chỉ huy để bước khỏi tàu vũ trụ trước.[96] Trong cuốn tự truyện năm 2001 của mình, Chris Kraft tiết lộ một cuộc họp đã diễn ra giữa Gilruth, Slayton, Low và chính ông để đảm bảo Aldrin sẽ không phải là người đầu tiên đi bộ trên Mặt Trăng. Họ tranh luận rằng người này cần phải điềm tĩnh và ít nói như Charles Lindbergh. Họ quyết định thay đổi kế hoạch bay để viên chỉ huy là người đầu tiên bước ra khỏi tàu vũ trụ.[97]

Trước ngày phóng

[sửa | sửa mã nguồn]
Saturn V SA-506, chiếc tên lửa mang phi thuyền Apollo 11, đang rời Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện đi đến Tổ hợp Phóng 39.

Tầng cất cánh của LM-5 Eagle đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào ngày 8 tháng 1 năm 1969, còn tầng hạ cánh đến nơi bốn ngày sau đó. CSM-107 Columbia thì có mặt vào ngày 23 tháng 1.[6] Đã có một số khác biệt giữa Eagle và LM-4 Snoopy của Apollo 10; Eagle sở hữu một ăng-ten vô tuyến VHF giúp giao tiếp với các phi hành gia trong quá trình EVA trên bề mặt Mặt Trăng; động cơ cất cánh nhẹ hơn; thiết bị hạ cánh được bảo vệ nhiệt tốt hơn; và một gói chứa các dụng cụ thí nghiệm khoa học gọi là Early Apollo Scientific Experiments Package (EASEP). Thay đổi duy nhất trong cấu hình của mô-đun chỉ huy là việc loại bỏ một số lớp cách nhiệt ở cửa sập phía trước.[98][99] CSM được ghép lại vào ngày 29 tháng 1, sau đó di chuyển từ tòa nhà Operations and Checkout Building tới Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện vào ngày 14 tháng 4.[6]

Tầng thứ ba S-IVB của Saturn V AS-506 đến nơi vào ngày 18 tháng 1, theo sau là tầng thứ hai S-II vào ngày 6 tháng 2, tầng thứ nhất S-IC vào ngày 20 tháng 2, và cấu trúc Saturn V Instrument Unit vào ngày 27 tháng 2. Lúc 12:30 ngày 20 tháng 5, kết cấu nặng 5.443 tấn (5.357 tấn Anh; 6.000 tấn Mỹ) này rời khỏi Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện trên xe vận chuyển bánh xích (crawler-transporter), hướng tới Tổ hợp Phóng 39A thuộc Tổ hợp Phóng 39, vào thời điểm mà Apollo 10 vẫn còn đang trên đường tới Mặt Trăng. Một buổi thử nghiệm đếm ngược đã bắt đầu vào ngày 26 tháng 6 và kết thúc vào ngày 2 tháng 7. Tổ hợp phóng được chiếu sáng bằng đèn pha vào đêm ngày 15 tháng 7 khi xe vận chuyển bánh xích mang mobile service structure trở lại khu vực đậu.[6] Sáng sớm hôm sau, bể nhiên liệu của các tầng S-II và S-IVB đã được đổ đầy hydro lỏng.[100] Việc đổ nhiên liệu hoàn tất ba giờ trước khi phóng.[101] Các hoạt động phóng được tự động hóa một phần, với 43 chương trình viết bằng ngôn ngữ lập trình ATOLL.[102]

Ngay sau 4 giờ sáng, Slayton đến đánh thức phi hành đoàn. Họ tắm rửa, cạo râu và dùng một bữa ăn sáng truyền thống gồm bít tết và trứng cùng Slayton và đội dự phòng. Các phi hành gia sau đó mặc vào bộ đồ du hành và bắt đầu hít thở oxy nguyên chất. 6:30 sáng, họ đi đến Tổ hợp Phóng 39.[103] 3 tiếng 10 phút trước khi phóng, Haise bước vào Columbia. Ông cùng với một kỹ thuật viên đã giúp Armstrong đến chỗ ghế dài bên trái lúc 6:54. Năm phút sau, Collins bước vào ghế dài bên phải. Cuối cùng, Aldrin là người ngồi ở ghế dài trung tâm.[101] Haise rời đi lúc 2 tiếng 10 phút trước khi phóng.[104] Khoảng một giờ sau, đội ngũ closeout cũng rời khỏi tổ hợp phóng sau khi chốt cửa sập và cabin được thanh lọc, điều áp. Quá trình đếm ngược bắt đầu tự động lúc 3 phút 27 giây trước khi phóng.[101] Hơn 450 nhân viên đã có mặt tại các bảng điều khiển trong phòng đốt cháy (firing room).[100]

Sứ mệnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Phi vụ phóng và chuyến bay tới quỹ đạo Mặt Trăng

[sửa | sửa mã nguồn]
Phuơng tiện phóng Saturn V của Apollo 11 cất cánh mang theo các phi hành gia Neil A. Armstrong, Michael Collins và Edwin E. Aldrin Jr. vào 9:32 EDT ngày 16 tháng 7 năm 1969.

Ước tính có khoảng một triệu khán giả đã theo dõi vụ phóng tàu Apollo 11 từ các xa lộ và bãi biển gần đó. Những nhân vật nổi bật có mặt bao gồm Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, Tướng William Westmoreland, bốn thành viên nội các, 19 thống đốc bang, 40 thị trưởng, 60 đại sứ và 200 nghị sĩ quốc hội. Phó Tổng thống Spiro Agnew thì theo dõi phi vụ phóng cùng vợ chồng cựu Tổng thống Lyndon B. Johnson.[100][105] Ngoài ra còn có khoảng 3.500 đại diện truyền thông xuất hiện, trong đó hai phần ba đến từ Mỹ và phần còn lại đến từ 55 quốc gia khác.[106] Buổi phóng tàu được truyền hình trực tiếp ở 33 quốc gia, với lượng người xem chỉ tính riêng ở Mỹ là 25 triệu. Nhiều người trên khắp thế giới còn lắng nghe qua các chương trình phát thanh.[105][100] Tổng thống Richard Nixon theo dõi từ văn phòng ở Nhà Trắng cùng với cùng với sĩ quan liên lạc NASA, phi hành gia Apollo Frank Borman.[107]

Saturn V AS-506 phóng Apollo 11 lên vào 13:32:00 UTC (9:32:00 EDT) ngày 16 tháng 7 năm 1969.[6] 13,2 giây sau khi phóng, phương tiện bắt đầu quay để di chuyển theo góc phương vị là 72,058°. Động cơ tầng thứ nhất tắt hoàn toàn lúc khoảng 2 phút 42 giây, tiếp đến tầng S-IC tách ra và động cơ S-II đánh lửa. Các động cơ tầng thứ hai sau đó ngắt và tách ra ở khoảng 9 phút 8 giây, cho phép động cơ S-IVB đánh lửa lần đầu tiên sau đó vài giây.[8]

12 phút trong chuyến bay, Apollo 11 tiến vào quỹ đạo Trái Đất gần tròn ở độ cao 100,4 hải lý (185,9 km) nhân 98,9 hải lý (183,2 km). Sau 1,5 quỹ đạo, lần đánh lửa thứ hai của động cơ S-IVB đã đẩy tàu vũ trụ vào đường bay hướng tới vệ tinh tự nhiên của Trái Đất với việc đốt cháy phóng chuyển tiếp Mặt Trăng (TLI) lúc 16:22:13 UTC. Qua 30 phút, thao tác đổi chỗ, ghép nối và tách rời (transposition, docking, and extraction) được tiến hành. Thao tác này bao gồm việc tách Columbia khỏi tầng S-IVB đã qua sử dụng, quay đầu lại, sau đó ghép nối với Eagle vẫn còn gắn vào tầng tên lửa. Khi LM được tách ra, tổ hợp phi thuyền liền hướng về phía Mặt Trăng trong khi tầng tên lửa bay trên một quỹ đạo vượt qua vệ tinh tự nhiên của Trái Đất.[108][8] Điều này là nhằm tránh để tầng thứ ba va chạm với tàu vũ trụ, Trái Đất hay Mặt Trăng. Do hiệu ứng slingshot khi đi qua Mặt Trăng nên nó đã bị đẩy vào quỹ đạo quanh Mặt Trời.[109]

17:21:50 UTC ngày 19 tháng 7, Apollo 11 bay qua phía sau Mặt Trăng và khởi động động cơ service propulsion để đi vào quỹ đạo thiên thể này.[8][110] Trong 30 quỹ đạo tiếp theo, phi hành đoàn trông thấy quang cảnh thoáng qua của bãi đáp ở phía nam Biển Tĩnh Lặng, nằm cách hố va chạm Sabine D 12 dặm (19 km) về phía tây nam. Địa điểm này được chọn một phần là nhờ kết quả thu về từ các tàu đổ bộ tự động Ranger 8Surveyor 5 cũng như tàu lập bản đồ Lunar Orbiter, vốn cho thấy nó tuơng đối bằng phẳng và nhẵn. Một nguyên nhân nữa là Site 2 không có khả năng gây ra thách thức cho việc đổ bộ hay những chuyến EVA.[111] Nơi này nằm cách bãi đáp của Surveyor 5 khoảng 25 kilômét (16 mi) về phía đông nam và cách điểm va chạm của Ranger 8 khoảng 68 kilômét (42 mi) về phía tây nam.[112]

Hạ cánh xuống Mặt Trăng

[sửa | sửa mã nguồn]
The top of the silvery command module is seen over a grey, cratered lunar surface
Columbia trên quỹ đạo Mặt Trăng, chụp từ Eagle

12:52:00 UTC ngày 20 tháng 7, Aldrin, Armstrong đi vào Eagle và chuẩn bị những bước cuối cùng để bay xuống Mặt Trăng.[8] Lúc 17:44:00, Eagle tách khỏi Columbia[13] còn Collins một mình ở lại trên CM. Ông kiểm tra Eagle khi nó quay tròn trước mặt để đảm bảo con tàu không bị hư hại và chân đáp được triển khai đúng cách.[113][114] Armstrong đã thốt lên rằng: "Eagle [đại bàng] có cánh này!".[113]

Khi quá trình bay xuống bắt đầu, Armstrong và Aldrin nhận ra mình đã vượt qua điểm mốc trên bề mặt sớm hơn hai đến ba giây, đồng thời báo cáo lại rằng họ đã đi quá xa; họ sẽ hạ cánh cách mục tiêu nhiều dặm về phía tây. Eagle cũng đang bay rất nhanh. Vấn đề có thể là do mascon – nồng độ khối lượng lớn trong một hoặc nhiều vùng chứa dị thường trọng lực của lớp vỏ Mặt Trăng, có khả năng làm thay đổi quỹ đạo của Eagle. Giám đốc Chuyến bay Gene Kranz suy đoán nguyên nhân do áp suất khí tăng cao trong đường hầm ghép nối hoặc là kết quả của việc Eagle xoay tròn.[115][116]

Năm phút sau khi đốt cháy để hạ cánh, tại độ cao 6.000 foot (1.800 m) phía trên bề mặt Mặt Trăng, máy tính dẫn đường của LM (LGC) khiến phi hành đoàn bối rối với các cảnh báo chương trình 1201 và 1202. Bên trong Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh, kỹ sư máy tính Jack Garman nói với nhân viên kiểm soát chuyến bay Steve Bales rằng có thể an toàn tiếp tục hạ cánh; thông điệp sau đó được chuyển tới phi hành đoàn. Các cảnh báo của chương trình chỉ ra lỗi "executive overflows", nghĩa là máy tính dẫn đường không thể hoàn thành tất cả nhiệm vụ theo thời gian thực và phải hoãn lại một vài trong số đó.[117][118] Margaret Hamilton, Giám đốc Bộ phận Lập trình Máy tính Chuyến bay Apollo (Director of Apollo Flight Computer Programming) tại Phòng thí nghiệm Draper Charles Stark của MIT về sau nhớ lại:

Eagle trên quỹ đạo Mặt Trăng, chụp từ Columbia

Trách máy tính vì những sự cố trên Apollo 11 thì khác nào đổ lỗi cho người đã phát hiện ra đám cháy và gọi cứu hỏa. Thật ra, máy tính được lập trình để làm nhiều hơn là phát hiện tình trạng lỗi. Một bộ các chương trình phục hồi đã được tích hợp vào phần mềm. Trong trường hợp này, việc của phần mềm là loại bỏ các tác vụ có mức độ ưu tiên thấp và thiết lập lại các tác vụ quan trọng hơn. Thay vì ép buộc phải hủy bỏ thì máy tính đã ngăn chặn việc hủy bỏ. Nếu máy tính không nhận ra vấn đề này và thực hiện hành động phục hồi, tôi không nghĩ Apollo 11 có thể hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng như vậy đâu.[119]

Trong sứ mệnh, nguyên nhân được xác định là do công tắc của radar cuộc hẹn (rendezvous) ở sai vị trí, khiến máy tính xử lý dữ liệu từ cả radar cuộc hẹn và radar hạ cánh cùng một lúc.[120][121] Về sau, kỹ sư phần mềm Don Eyles kết luận trong bài báo tại hội nghị Guidance and Control Conference năm 2005 rằng vấn đề nằm ở một lỗi thiết kế phần cứng đã được phát hiện trước đó trong quá trình thử nghiệm LM không người lái đầu tiên trên Apollo 5.[122]

Đổ bộ

[sửa | sửa mã nguồn]
Armstrong lái Eagle đáp xuống Mặt Trăng, ngày 20 tháng 7 năm 1969.

Khi Armstrong nhìn ra bên ngoài lần nữa, ông thấy mục tiêu hạ cánh của máy tính nằm ở khu vực rải rác đá ngay phía bắc và phía đông một hố va chạm có đường kính 300 foot (91 m) (về sau được xác định là hố va chạm West), vì vậy ông đã chuyển sang chế độ điều khiển bán tự động.[123][124] Armstrong cân nhắc hạ cánh ở vị trí thấp hơn bãi đá để có thể thu thập các mẫu địa chất từ ​​đó nhưng không được vì vận tốc theo phương ngang của họ quá cao. Trong suốt quá trình hạ cánh, Aldrin đã đọc dữ liệu dẫn đường cho Armstrong đang bận lái Eagle. Lúc này độ cao 107 foot (33 m) so với bề mặt, Armstrong nhận ra nguồn cung cấp thuốc phóng đang cạn kiệt và quyết định đáp xuống tại nơi đầu tiên mà ông thấy có thể hạ cánh.[125]

Armstrong tìm thấy một khoảng đất trống và điều khiển tàu vũ trụ hướng tới đó. Khi đến gần hơn, lúc này cách mặt đất 250 foot (76 m), ông phát hiện ra địa điểm hạ cánh mới của mình có một miệng hố. Ông né qua miệng hố và tìm thấy một khoảng đất bằng phẳng khác. Lúc này họ cách bề mặt 100 foot (30 m) và chỉ còn đủ nhiên liệu trong 90 giây nữa. Bụi Mặt Trăng do động cơ của LM gây ra bắt đầu làm suy yếu khả năng xác định chuyển động của tàu vũ trụ. Armstrong đã tập trung vào một số tảng đá lớn nhô ra khỏi đám mây bụi trong quá trình đi xuống để có thể xác định tốc độ của tàu vũ trụ.[126]

Một đốm sáng hiện lên báo cho Aldrin biết rằng ít nhất một trong những ống dò (probe) dài 67 inch (170 cm) treo trên chân đế của Eagle đã chạm vào bề mặt vài phút trước khi hạ cánh. Ông thốt lên: "Đèn tiếp xúc!". Theo lẽ, Armstrong phải tắt động cơ ngay lập tức vì các kỹ sư nghi ngờ áp suất do khí thải động cơ dội lại từ bề mặt Mặt Trăng có thể khiến động cơ phát nổ, nhưng nam phi hành gia đã quên thực hiện. Ba giây sau, Eagle hạ cánh và lúc này Armstrong mới tắt động cơ.[127] Aldrin ngay lập tức nói "Được rồi, dừng động cơ. ACA – kéo cần gạt (out of detent)". Armstrong xác nhận: "Kéo cần gạt. Tự động". Aldrin tiếp lời: "Điều khiển chế độ – cả hai đều tự động. Tắt chế độ ghi đè lệnh của động cơ hạ cánh. Tay gạt động cơ (engine arm) – đã tắt. Đã nhập 413".[128]

Địa điểm hạ cánh so với hố va chạm West

ACA chính là Bộ phận Kiểm soát Hướng (Attitude Control Assembly) – cần điều khiển của LM. Tín hiệu đầu ra được truyền đến LGC để ra lệnh cho động cơ của hệ thống điều khiển phản lực (RCS) khai hỏa. "Out of Detent" có nghĩa là cần điều khiển đã di chuyển ra khỏi vị trí trung tâm; nó được định tâm bằng lò xo giống như đèn báo quẹo trong xe hơi. Địa chỉ 413 của Hệ thống Hướng dẫn Hủy bỏ (Abort Guidance System, hay AGS) chứa biến số cho biết LM đã hạ cánh.[10]

Eagle đáp đất lúc 20:17:40 UTC Chủ nhật ngày 20 tháng 7 với lượng nhiên liệu còn lại là 216 pound (98 kg). Thông tin từ quá trình hạ cánh cho phi hành đoàn và những người điều khiển nhiệm vụ thấy rằng, LM có đủ nhiên liệu cho 25 giây bay bằng động cơ nữa trước khi xảy ra nguy hiểm cho việc hủy bỏ mà không chạm đất (touchdown),[10][129] nhưng phân tích sau nhiệm vụ cho thấy con số thực tế có khả năng lên đến 50 giây.[130] Apollo 11 đổ bộ với ít nhiên liệu hơn hầu hết các sứ mệnh kế tiếp và hai phi hành gia đã gặp phải cảnh báo nhiên liệu sắp cạn sớm. Sau đó người ta phát hiện ra rằng đây là kết quả của việc thuốc phóng óc ách (slosh) nhiều hơn dự kiến, làm lộ ra một cảm biến nhiên liệu. Trong những nhiệm vụ tiếp theo, các vách ngăn chống óc ách đã được thêm vào bể chứa để ngăn chặn vấn đề này.[10]

Armstrong xác nhận Aldrin đã hoàn thành danh sách kiểm tra hậu hạ cánh với câu nói "Tay gạt động cơ đã tắt", trước khi trả lời CAPCOM Charles Duke, "Houston, đây là Tranquility Base. Eagle đã hạ cánh". Việc Armstrong bất ngờ thay đổi tín hiệu gọi từ "Eagle" sang "Tranquility Base" là nhằm nhấn mạnh với những người đang lắng nghe rằng cuộc hạ cánh đã hoàn tất và thành công.[131] Duke bày tỏ sự nhẹ nhõm tại Trung tâm Kiểm soát Sứ mệnh: "Rõ, Twan – à nhầm Tranquility, bọn tôi từ mặt đất nghe rõ. Bọn tôi nín thở đến tái mặt luôn rồi. Bây giờ mới thở lại được. Cảm ơn các anh nhiều lắm".[10][132]

Góc nhìn 3 chiều từ tàu thăm dò Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của địa điểm mà Apollo 11 hạ cánh

Hai tiếng rưỡi sau khi đổ bộ, trước khi bắt đầu công tác chuẩn bị cho chuyến EVA, Aldrin phát thanh về Trái Đất:

Đây là phi công LM. Tôi muốn nhân cơ hội này thỉnh cầu bất kỳ người nào đang lắng nghe, dù bạn là ai hay ở đâu đi chăng nữa, hãy tạm ngừng trong giây lát để chiêm ngưỡng những sự kiện đã xảy ra trong ít tiếng vừa qua và bày tỏ lòng biết ơn theo cách của riêng mình.[133]

Sau đó, ông bí mật rước lễ. Vào thời điểm ấy, NASA vẫn đang trong một vụ kiện do nhân vật vô thần Madalyn Murray O'Hair (người phản đối việc phi hành đoàn Apollo 8 đọc Sách Sáng Thế) đệ trình, yêu cầu phi hành gia của họ kiềm chế phát sóng các hoạt động tôn giáo khi ở trong không gian. Vì lý do này, Aldrin đã quyết định không đề cập trực tiếp đến việc rước lễ trên Mặt Trăng. Aldrin là một trưởng lão tại nhà thờ Giáo hội Trưởng nhiệm Webster, còn bộ dụng cụ làm lễ của ông là do mục sư Dean Woodruff chuẩn bị. Nhà thờ này sở hữu chiếc cốc thánh được sử dụng trên Mặt Trăng và họ kỷ niệm sự kiện này hàng năm vào Chủ nhật gần ngày 20 tháng 7 nhất.[134] Lịch trình nhiệm vụ yêu cầu các phi hành gia phải ngủ năm tiếng sau khi hạ cánh, nhưng họ đã bắt đầu chuẩn bị sớm cho EVA vì nghĩ rằng mình sẽ không thể ngủ được.[135]

Thuyết âm mưu

[sửa | sửa mã nguồn]

Với chuyến bay vào không gian Apollo 11, cuộc đổ bộ lên mặt trăng được coi như là một bước tiến vĩ đại của con người trong việc chinh phục vũ trụ. Nhưng bên cạnh đó có không ít thuyết âm mưu gây tranh cãi việc con người tới được Mặt Trăng là một điều phi lý với nhiều câu hỏi như: lá cờ lại bay được, ai là người chụp lại hình ảnh của các phi hành gia, bầu trời Mặt Trăng không có ngôi sao nào, tàu thám hiểm đổ bộ xuống mà không gây ra dấu tích gì, mọi thứ vẫn không bị tan chảy ở nhiệt độ 138°C.[136][137] Tất cả điều này đều đã được lý giải rõ ràng. Lá cờ được cố định bằng các khung ngang để trải rộng lá cờ, tuy nhiên do các khung không được thẳng nên lá cờ không thể trải rộng mà bị nhăn nheo nhìn giống như đang bay trước gió, không hề có các máy ảnh hay camera nào được các phi hành gia cầm trên tay vì camera được gắn trên áo của các phi hành gia, ánh sáng của các ngôi sao đã bị che mờ bởi bề mặt mặt trăng phản xạ ánh sáng mặt trời, tàu thám hiểm đã giảm ga và bay trên không để dò sát bề mặt một khoảng thời gian trước khi hạ cánh, bởi vậy đã không có những chấn động mạnh in hằn lên bề mặt của Mặt Trăng. Nhiệt độ bề mặt của mặt trăng lên tới 138 độ C nhưng các phi hành gia cùng các thiết bị và phim ghi hình đều được bao bọc trong các lớp hoặc hộp bảo vệ công nghệ cao. Thêm vào đó, phi hành đoàn đổ bộ lúc bình minh của mặt trăng nên nhiệt độ xuống thấp đáng kể. Cuối cùng, bức ảnh ghi lại hình ảnh lúc rời đi của các phi hành gia được chụp bởi một camera được bỏ lại trên Mặt trăng và được điều khiển từ Trái Đất.[136]

Nguồn gốc của các thuyết âm mưu về việc người Mỹ chưa hề đặt chân lên Mặt trăng bắt đầu bằng cuốn sách 'Chúng ta chưa bao giờ lên Mặt Trăng - We Never Went to the Moon' của Bill Kaysing (1922-2005).[cần dẫn nguồn] Dù Bill Kaysing nhiều lần khẳng định mình chẳng biết gì về công nghệ tên lửa, nhưng khi ông ta khẳng định video đặt chân lên Mặt Trăng được quay tại một khu vực bí mật đặt trong Area 51, người ta tin ngay. Ông đã tìm kiếm bằng chứng cho cáo buộc của mình, với các bức ảnh mù mờ và những giả thuyết được cho là khôi hài. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, các giả thuyết của ông vẫn còn tồn tại đến ngày nay trong các bộ phim Hollywood, phim tài liệu Fox News, diễn đàn Reddit và các kênh YouTube.[138]

Ở Liên Xô vào năm 1969, không ai trong số quan chức cũng như giới truyền thông nước này nghi ngờ về thành tích của các phi hành gia Mỹ. Phi hành gia người Nga Georgy Grechko, một thành viên trong chương trình Mặt trăng của Liên Xô cho biết:"Khi chúng tôi nhận được tín hiệu từ Mặt trăng, chúng tôi đã nhận được chúng từ Mặt trăng thật sự chứ không phải từ Hollywood"[139] Vào thời điểm đó, tất cả các hệ thống trinh sát của Liên Xô đang theo dõi chuyến bay có người lái đầu tiên lên Mặt trăng. Thiết bị vô tuyến của Liên Xô đã nhận được tín hiệu từ Apollo 11 cũng như tất cả các thông tin liên lạc âm thanh và đoạn phim truyền hình về cuộc đổ bộ Mặt Trăng.[139]

Nhà thiết kế tàu vũ trụ và là phi hành gia Konstantin Feoktistov đã kết luận: '"Dàn dựng một trò lừa bịp như thế có lẽ cũng khó như việc thực hiện sứ mệnh thực sự" "Trước tiên, cần phải gửi trạm vô tuyến lên Mặt Trăng, sau đó đưa tàu Apollo 11 đến. Rồi tạo ra hàng chục nhà máy sản xuất tàu vũ trụ giả. Rồi giai đoạn trở về Trái Đất... Tất cả đều quá phức tạp. Thậm chí còn khó khăn hơn cả một cuộc đua trong không gian giữa hai siêu cường".[139]

Tuy nhiên, vào cuối những năm 1990, "Thuyết âm mưu Mặt trăng" nổi tiếng thế giới đã đến Nga, nơi được rất nhiều người hưởng ứng. Giải thích cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng, một nước Nga non trẻ đang rất cần những quan niệm "giả ái quốc" để thúc đẩy tinh thần dân tộc, trong đó mô tả rằng người Mỹ đã lừa dối tất cả mọi người, kể cả Liên Xô, được cho là quốc gia đi đầu trong mọi lĩnh vực. Theo tác giả người Nga Mukhin, những quan chức Liên Xô và một số nhà khoa học nước này còn là một phần của âm mưu vì họ có những lợi ích nhất định.[139]

Liên bang Xô-viết đã huỷ bỏ chương trình Mặt Trăng của mình vào giữa những năm 1970 sau các sự cố khiến 4 tên lửa thí nghiệm trong chương trình này phát nổ. Vào năm 2015, một cựu phát ngôn viên của Uỷ ban Điều tra Nga đã kêu gọi một cuộc điều tra đối với các sứ mệnh hạ cánh xuống Mặt Trăng của NASA.[cần dẫn nguồn]

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]
  • "Neil Armstrong là một trong những người anh hùng vũ trụ vĩ đại nhất mọi thời đại của nước ta. Khi ông ấy và các đồng đội của mình lên đường thực hiện sứ mệnh trên phi thuyền Apollo 11 năm 1969, họ dường như đã mang trên vai trọng trách cũng như khát vọng của đất nước và người dân nước Mỹ chúng ta. Chính họ đã cho cả thế giới thấy rằng chỉ cần có sức mạnh và lý trí, chúng ta có thể chinh phục được mọi thứ xung quanh, làm được những điều ngoài sức tưởng tượng.[cần dẫn nguồn]" - Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu trong lễ kỷ niệm ngày sinh của phi hành gia Neil Armstrong
  • "Đó thực sự là một điều tuyệt vời khi tôi đã chứng kiến được cái khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời tôi, khoảnh khắc một công dân Mỹ đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh đầy ý nghĩa của mình trên phi thuyền Apollo 11. Người đó không ai khác chính là Neil Armstrong. Tôi chưa bao giờ thấy phi hành gia nào vĩ đại hơn ông ấy cả, ông ấy quả là một người anh hùng chinh phục vũ trụ ".[140] - Giám đốc điều hành của chuyến bay Apollo 11 Gene Kranz
  • "Trong vòng 500 năm tới, khi sự kiện Trân Châu Cảng xảy ra rồi thì cuộc đổ bộ lên mặt trăng của Apollo 11 của Neil Armstrong vẫn sẽ được nhớ đến như là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20 bên cạnh hai cuộc chiến tranh thế giới, sự phát hiện ra thuyết tương đối, vật lý lượng tử và vũ khí hạt nhân của Einstein"[141]. - Nhà sử học Arthur Schlesinger Jr
  • Thăm dò Mặt Trăng – Các nhiệm vụ khác nhau đến Mặt Trăng

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Chơi chữ của "moon" (Mặt Trăng) và "boondoggle" (có nghĩa là việc làm vô ích và lãng phí).

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Ở một số nguồn sau đây, thời gian được hiển thị theo định dạng giờ:phút:giây (ví dụ 109:24:15) theo thời gian Ground Elapsed Time (GET) của nhiệm vụ,[142] dựa trên thời điểm phóng chính thức lúc 13:32:00 ngày 16 tháng 7 năm 1969 UTC (000:00:00 GET).[104][6]

  1. ^ Byrne., Dave (ngày 8 tháng 7 năm 2019). "Apollo 11 Image Library". hq.nasa.gov. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2021.
  2. ^ "Apollo 11 Command and Service Module (CSM)". NASA Space Science Data Coordinated Archive. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2019.
  3. ^ "Apollo 11 Lunar Module / EASEP". NASA Space Science Data Coordinated Archive. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 20 tháng 11 năm 2019.
  4. ^ a b "Apollo 11 Press Kit" (PDF). history.nasa.gov. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2022.
  5. ^ "Ground Ignition Weights". history.nasa.gov. Truy cập ngày 31 tháng 5 năm 2022.
  6. ^ a b c d e f Loff, Sarah (ngày 17 tháng 4 năm 2015). "Apollo 11 Mission Overview". NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2018.
  7. ^ a b c d e "Apollo 11 Mission Summary". Smithsonian Air and Space Museum. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 9 năm 2019.
  8. ^ a b c d e f Orloff 2000, tr. 106.
  9. ^ a b c d Orloff 2000, tr. 109.
  10. ^ a b c d e Jones, Eric M., biên tập (1995). "The First Lunar Landing". Apollo 11 Lunar Surface Journal. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013.
  11. ^ Orloff 2000, tr. 97.
  12. ^ Williams, David R. (ngày 11 tháng 12 năm 2003). "Apollo Landing Site Coordinates". NASA Space Science Data Coordinated Archive. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 12 năm 2018. Truy cập ngày 18 tháng 10 năm 2021.
  13. ^ a b Orloff 2000, tr. 107.
  14. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên ALSJ 4
  15. ^ Stenger, Richard (ngày 25 tháng 5 năm 2001). "Man on the Moon: Kennedy speech ignited the dream". CNN. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 30 tháng 12 năm 2018.
  16. ^ Logsdon 1976, tr. 134.
  17. ^ Logsdon 1976, tr. 13–15.
  18. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 1.
  19. ^ Swenson, Grimwood & Alexander 1966, tr. 101–106.
  20. ^ Swenson, Grimwood & Alexander 1966, tr. 134.
  21. ^ Swenson, Grimwood & Alexander 1966, tr. 332–333.
  22. ^ Logsdon 1976, tr. 121.
  23. ^ Logsdon 1976, tr. 112–117.
  24. ^ "Excerpt: 'Special Message to the Congress on Urgent National Needs'". NASA. ngày 25 tháng 5 năm 1961. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 16 tháng 9 năm 2018.
  25. ^ Keilen, Eugene (ngày 19 tháng 9 năm 1962). "'Visiting Professor' Kennedy Pushes Space Age Spending" (PDF). The Rice Thresher. tr. 1. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 22 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2018.
  26. ^ Boyd, Jade (ngày 30 tháng 8 năm 2012). "JFK's 1962 Moon Speech Still Appeals 50 Years Later". Rice University. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 2 năm 2018. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2018.
  27. ^ "John F. Kennedy Moon Speech—Rice Stadium". NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 7 năm 2015. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2018.
  28. ^ Fishman, Charles. "What You Didn't Know About the Apollo 11 Mission". Smithsonian (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2019.
  29. ^ Madrigal, Alexis C. (ngày 12 tháng 9 năm 2012). "Moondoggle: The Forgotten Opposition to the Apollo Program". The Atlantic (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 6 năm 2019.
  30. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 15.
  31. ^ Logsdon 2011, tr. 32.
  32. ^ "Address at 18th U.N. General Assembly". John F. Kennedy Presidential Library & Museum. ngày 20 tháng 9 năm 1963. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2018.
  33. ^ Glass, Andrew (ngày 20 tháng 9 năm 2017). "JFK Proposes Joint Lunar Expedition with Soviets, September 20, 1963". Politico. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2018.
  34. ^ "The Rendezvous That Was Almost Missed: Lunar Orbit Rendezvous and the Apollo Program". NASA Langley Research Center Office of Public Affairs. NASA. tháng 12 năm 1992. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2018.
  35. ^ Swenson, Grimwood & Alexander 1966, tr. 85–86.
  36. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 72–77.
  37. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 48–49.
  38. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 181–182, 205–208.
  39. ^ Butler, P. M. (ngày 29 tháng 8 năm 1989). Interplanetary Monitoring Platform (PDF). NASA. tr. 1, 11, 134. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 12 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2019.
  40. ^ White, H. D.; Lokerson, D. C. (1971). "The Evolution of IMP Spacecraft Mosfet Data Systems". IEEE Transactions on Nuclear Science. 18 (1): 233–236. Bibcode:1971ITNS...18..233W. doi:10.1109/TNS.1971.4325871. ISSN 0018-9499.
  41. ^ "Apollo Guidance Computer and the First Silicon Chips". National Air and Space Museum. Smithsonian Institution. ngày 14 tháng 10 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2019.
  42. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 214–218.
  43. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 265–272.
  44. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 274–284.
  45. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 292–300.
  46. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 303–312.
  47. ^ Lindroos, Marcus. "The Soviet Manned Lunar Program" (PDF). MIT OpenCourseWare. Massachusetts Institute of Technology. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 11 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2011.
  48. ^ Brown, Jonathan (ngày 3 tháng 7 năm 2009). "Recording tracks Russia's Moon gatecrash attempt". The Independent. London. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2011.
  49. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 374.
  50. ^ Hansen 2005, tr. 312–313.
  51. ^ Collins 2001, tr. 288–289.
  52. ^ Cunningham 2010, tr. 109.
  53. ^ Orloff 2000, tr. 72.
  54. ^ a b Orloff 2000, tr. 90.
  55. ^ Hansen 2005, tr. 338–339.
  56. ^ Collins 2001, tr. 434–435.
  57. ^ a b Hansen 2005, tr. 359.
  58. ^ a b Slayton & Cassutt 1994, tr. 237.
  59. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 261.
  60. ^ a b Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 375.
  61. ^ Kranz 2000, tr. 27.
  62. ^ Orloff 2000, tr. 272.
  63. ^ Kranz 2000, tr. 230, 236, 273, 320.
  64. ^ Glen E. Swanson, biên tập (ngày 5 tháng 8 năm 2004). SP-4223: Before This Decade is Out—Personal Reflections on the Apollo Program—Chapter 9—Glynn S. Lunney. NASA. tr. 211. ISBN 978-0-16-050139-5. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2019. Apollo 11 flight directors pose for a group photo in the Mission Control Center. Pictured left to right, and the shifts that they served during the mission, are (in front and sitting) Clifford E. Charlesworth (Shift 1), Gerald D. Griffin (Shift 1), Eugene F. Kranz (Shift 2), Milton L. Windler (Shift 4), and Glynn S. Lunney (Shift 3). (NASA Photo S-69-39192.)
  65. ^ Murray, Charles A.; Cox, Catherine Bly (tháng 7 năm 1989). Apollo, the race to the moon. Simon & Schuster. tr. 356, 403, 437. ISBN 978-0-671-61101-9. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2019.
  66. ^ Woods, David; MacTaggart, Ken; O'Brien, Frank (ngày 18 tháng 5 năm 2019). "Day 4, part 4: Checking Out Eagle". Apollo Flight Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2019 – qua NASA.
  67. ^ Woods, David; MacTaggart, Ken; O'Brien, Frank (ngày 18 tháng 5 năm 2019). "Day 3, part 1: Viewing Africa and Breakfast". Apollo Flight Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2019 – qua NASA.
  68. ^ Reichhardt, Tony (ngày 7 tháng 6 năm 2019). "Twenty People Who Made Apollo Happen". Air & Space/Smithsonian. Smithsonian Institution. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 9 năm 2019.
  69. ^ a b Collins 2001, tr. 332–334.
  70. ^ Collins 2001, tr. 332.
  71. ^ a b Collins 2001, tr. 333.
  72. ^ "1971–78 Dollar Eisenhower". CoinSite. ROKO Design Group, Inc. 1994. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2009.
  73. ^ "Susan B. Anthony Dollar—1979–1999". United States Mint. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 12 tháng 8 năm 2014.
  74. ^ Marshall Space Flight Center 1969, tr. 8.
  75. ^ Collins 2001, tr. 334–335.
  76. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 331.
  77. ^ Collins 1994, tr. 116.
  78. ^ "Kit, Pilot's Personal Preference, Apollo 11". Smithsonian Air and Space Museum. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2018.
  79. ^ "Personal Preference Kits (PPKs)". Space flown collectible artifacts. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2018.
  80. ^ Hansen 2005, tr. 527.
  81. ^ Slayton & Cassutt 1994, tr. 191–192.
  82. ^ a b c d Garcia, Mark (ngày 8 tháng 2 năm 2018). "50 Years Ago: Lunar Landing Sites Selected". NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 9 năm 2021. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2018.
  83. ^ Cortright 1975, tr. 79.
  84. ^ Harland 1999, tr. 19.
  85. ^ Cortright 1975, tr. 98–99.
  86. ^ Collins 1994, tr. 7.
  87. ^ Cappellari 1972, tr. 976.
  88. ^ "Apollo 10". Smithsonian Air and Space Museum. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2018.
  89. ^ a b Chaikin 1994, tr. 148.
  90. ^ Hansen 2005, tr. 360.
  91. ^ Collins 2001, tr. 347.
  92. ^ Aldrin & Abraham 2016, tr. 57–58.
  93. ^ Hansen 2005, tr. 363–365.
  94. ^ Chaikin 1994, tr. 149.
  95. ^ Chaikin 1994, tr. 150.
  96. ^ Schefter 1999, tr. 281.
  97. ^ Hansen 2005, tr. 371–372.
  98. ^ Benson & Faherty 1978, tr. 472.
  99. ^ "Scientific Experiments". Smithsonian Air and Space Museum. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 10 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 9 năm 2018.
  100. ^ a b c d Benson & Faherty 1978, tr. 474.
  101. ^ a b c Benson & Faherty 1978, tr. 475.
  102. ^ Benson & Faherty 1978, tr. 355–356.
  103. ^ Collins 2001, tr. 355–357.
  104. ^ a b Woods, W. David; MacTaggart, Kenneth D.; O'Brien, Frank (ngày 6 tháng 6 năm 2019). "Day 1, Part 1: Launch". Apollo Flight Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2018 – qua NASA.
  105. ^ a b Bilstein 1980, tr. 369–370.
  106. ^ Brooks, Grimwood & Swenson 1979, tr. 338.
  107. ^ "President Richard Nixon's Daily Diary" (PDF). Richard Nixon Presidential Library. ngày 16 tháng 7 năm 1969. tr. 2. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 9 năm 2018.
  108. ^ Collins 2001, tr. 374–375.
  109. ^ Marshall Space Flight Center 1969, tr. 7.
  110. ^ Woods, W. David; MacTaggart, Kenneth D.; O'Brien, Frank (ngày 10 tháng 2 năm 2017). "Day 4, part 1: Entering Lunar Orbit". Apollo Flight Journal. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2019 – qua NASA.
  111. ^ "Apollo 11 Lunar Landing Mission" (PDF) (Press kit). Washington, D.C.: NASA. ngày 6 tháng 7 năm 1969. Release No: 69-83K. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013.
  112. ^ Mission Evaluation Team 1969, tr. 130.
  113. ^ a b Collins & Aldrin 1975, tr. 209.
  114. ^ Mission Evaluation Team 1969, tr. 9.
  115. ^ Mindell 2008, tr. 220–221.
  116. ^ Mission Evaluation Team 1969, tr. 82.
  117. ^ Collins & Aldrin 1975, tr. 210–212.
  118. ^ Hamilton & Hackler 2008, tr. 34–43.
  119. ^ Hamilton, Margaret H. (ngày 1 tháng 3 năm 1971). "Computer Got Loaded". Datamation (Letter). tr. 13. ISSN 0011-6963.
  120. ^ Mission Evaluation Team 1969, tr. 190–192.
  121. ^ Martin, Fred H. (tháng 7 năm 1994). "Apollo 11: 25 Years Later". Apollo 11 Lunar Surface Journal. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013.
  122. ^ Eyles, Don (ngày 6 tháng 2 năm 2004). "Tales from the Lunar Module Guidance Computer". 27th annual Guidance and Control Conference. Breckenridge, Colorado: American Astronautical Society. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013.
  123. ^ Chaikin 1994, tr. 196.
  124. ^ Mindell 2008, tr. 195–197.
  125. ^ Chaikin 1994, tr. 197.
  126. ^ Chaikin 1994, tr. 198–199.
  127. ^ Chaikin 1994, tr. 199.
  128. ^ Mindell 2008, tr. 226.
  129. ^ Orloff 2000, tr. 295.
  130. ^ Fjeld, Paul (tháng 6 năm 2013). "The Biggest Myth about the First Moon Landing" (PDF). Horizons. 38 (6): 5–6. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2019.
  131. ^ Failure is Not an Option (TV production). The History Channel. ngày 24 tháng 8 năm 2003. OCLC 54435670.
  132. ^ "James May speaks to Charles Duke". BBC Archives. 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2009.
  133. ^ Jones, Eric M., biên tập (1995). "Post-landing Activities". Apollo 11 Lunar Surface Journal. NASA. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 5 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2013.
  134. ^ Chaikin 1994, tr. 204, 623.
  135. ^ Mission Evaluation Team 1969, tr. 21–22.
  136. ^ a b "Cuộc đổ bộ của con người lên mặt trăng là sản phẩm của Hollywood?". Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2016.
  137. ^ "10 lý do nghi người Mỹ chưa từng lên mặt trăng".
  138. ^ "Vì sao trên Mặt trăng không có không khí mà quốc kỳ Mỹ tung bay?".
  139. ^ a b c d "Vì sao có đến 76% người Nga không tin rằng người Mỹ đã đổ bộ lên Mặt trăng?".
  140. ^ "50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019) Kỳ 3: "Thế hệ vĩ đại nhất" của nước Mỹ".
  141. ^ "50 năm ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng (20/7/1969 - 20/7/2019): Kỳ 2: Bước chân lưu dấu".
  142. ^ Orloff 2000, tr. iv.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Đa phương tiện

[sửa | sửa mã nguồn]